Những điều không nên làm khi đến Nhật Bản

Những điều không nên làm khi đến Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước có nếp sống hiện đại, người Nhật vẫn giữ được những nét truyền thống, họ rất coi trọng bản sắc văn hóa và đề cao giáo dục. Các quy tắc ứng xử, tập quán trong giao tiếp dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập và thích nghi cuộc sống mới bên Nhật khi đi du học và làm việc.

MỤC LỤC[ẩn]

Những điều không nên làm khi đến Nhật Bản

Không để danh thiếp trong túi quần

Người Nhật luôn tự hào với công việc của họ và danh thiếp chính là biểu tượng cho sự tự hào đó, khi nhận danh thiếp từ một ai đó bạn hãy nhận bằng cả hai tay (tuyệt đối không nhận chúng bằng một tay), ngón tay đặt trên các cạnh của thẻ sau đó đặt chúng một cách cẩn thận trong ví hoặc một nơi an toàn để tỏ lòng tôn trọng. Tuyệt đối đừng cho danh thiếp thẳng vào túi quần của bạn.

Không bắt tay khi bạn gặp một ai đó

Đa số người Nhật đều biết rằng thói quen bắt tay gặp gỡ của người phương Tây, tuy nhiên biết là một chuyện, chấp nhận lại là chuyện khác, người Nhật cho rằng việc bắt tay khá ngớ ngẩn và không lịch sự. Thay vào việc bắt tay hãy cúi chào một góc khoảng 90 độ khi gặp người mới nếu bạn muốn tỏ rõ sự lịch thiệp và tôn trọng người đối diện. Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hoặc có địa vị cao thì một sự cúi người sâu sẽ là sự phù hợp nhất.

Không ồn ào trên tàu và xe điện

Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, việc giữ im lặng là điều du khách rất cần lưu ý. Điều này đặc biệt quan trọng ở Tokyo và các thành phố lớn khác, vì mọi người thường tận dụng thời gian trên xe để thư giãn, đọc sách, thậm chí là chợp mắt sau một ngày làm việc dài.

Vào buổi sáng, các chuyến tàu và xe điện cũng yên tĩnh khi người dân Nhật Bản chuẩn bị bắt đầu một ngày mới. Khoảng thời gian hành khách bước lên tàu có vẻ hỗn loạn nhưng lúc đi tàu thì hoàn toàn ngược lại, bạn sẽ nhận thấy bầu không khí tĩnh lặng gần như ngay lập tức sau khi cánh cửa đóng lại. Vì thế, du khách nên tránh nói chuyện ồn ào, hãy đặt điện thoại ở chế độ im lặng và sử dụng thời gian đi tàu để thư giãn hoặc kiểm tra lại các kế hoạch trong chuyến đi.

Không đi giày vào nhà và văn phòng

Nếu bạn không muốn bị đánh giá là một người thiếu tôn trọng thì đừng mang giày hoặc dép bước vào nhà, hãy cởi bỏ giày, dép để trước cửa và bạn sẽ được dành cho một đôi dép riêng đi trong nhà; nếu không, đi vớ hoặc chân trần là những lựa chọn thích hợp.

Mặc dù bạn không nhất thiết phải tháo giày mỗi khi bước vào một tòa nhà, nhưng có những nơi cụ thể mà việc đi giày bị coi là ô uế và là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Những nơi quan trọng bạn cần nhớ bỏ giày dép khi bước vào đó là Ryokan – nhà trọ truyền thống của Nhật Bản, một số nhà hàng, các đền thờ và khi sử dụng phòng tắm. Một số nơi sẽ yêu cầu bạn đi một đôi dép khác, dùng trong nhà.

Không gọi thẳng tên của một ai đó

Những người quen biết, thân thiết người Nhật thường gọi tên kèm theo hậu tố ví dụ như một người bạn, đồng nghiệp, hay một người mới quen là thay vì gọi tên thì hãy gọi riêng họ kèm hậu tố “san”. Đối với người nhỏ tuổi hơn mình thì tùy theo giới tính mà từ đi kèm sẽ thay đổi, với cậu bé là “kun” và cô gái là “chan”. Giáo viên hoặc người bề trên nên được gọi là “Sensei”. Nếu bạn đang nói chuyện với người có địa vị lớn hoặc quan trọng bạn có thể sử dụng hậu tố “sama” để biểu thị sự tôn trọng.

Không xì mũi ở nơi công cộng

Quy tắc này có vẻ lạ đối với những người không quen với phong tục của Nhật Bản, nhưng đây là điều du khách cần nhớ khi du lịch tại "xứ sở hoa anh đào". Xì mũi nơi công cộng thường bị coi là thô lỗ. Thay vào đó, du khách nên đợi đến khi có thể xì mũi ở nơi riêng tư, nhà vệ sinh hoặc tìm một nơi mà bạn chỉ có một mình.

Không ngại khi húp mì trong ăn uống

Nếu ở các nước phương tây ăn uống ồn ào được coi là hành động bất lịch sự thì ở Nhật việc ăn uống phát ra tiếng cho thấy bạn thưởng thức món ăn rất ngon lành và thích thú. Nếu ăn ở nhà hàng, quán ăn, điều này sẽ được các đầu bếp ghi nhận như một lời khen dành cho món họ nấu, cũng như khiến những người xung quanh cảm giác vui vẻ, thoải mái. Do đó, đừng ngại việc húp một bát mì ramen hay udon, thậm chí húp thành tiếng lại càng tốt.

Không uống nước từ những đài phun

Ở Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những đài phun nước ở cạnh những ngôi đền. Chúng được dùng để làm sạch tay và miệng của người đến tham quan vì vậy hẳn nhiên bạn đừng sử dụng chúng như một loại nước uống. Trước khi bước vào mảnh đất linh thiêng, bạn nên dùng nước từ những đài phun này để rửa sạch tay, súc miệng và nhổ nó đúng khu vực quy định.

Không vào phòng tắm công cộng với hình xăm

Bạn sẽ khiến mọi người ở đây ngạc nhiên khi bước vào những phòng tắm công cộng tại Nhật Bản với những hình săm trên cơ thể. Đối với người Nhật, hình xăm có thể được xem như một sự bất kính, hoặc thậm chí họ sẽ xem như bạn có sự liên hệ với các băng đảng xã hội đen, ... Tuy sự kỳ thị này đang dần thay đổi trong các thành phố lớn, nhưng hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào những phòng tắm công cộng nếu bạn đang mang trên mình một vài hình xăm.

Không đưa tiền boa và tiền tip

Nếu bạn boa tiền cho một ai đó ở Nhật họ sẽ cảm thấy bối rối và không biết làm gì với chúng. Đôi khi việc vô tình đưa tiền boa sẽ dẫn đến một vài phiền phức không đáng có. Nhân viên nhận tiền boa sẽ cảm thấy có lỗi vì có vẻ như họ đã không làm tốt nhiệm vụ, một vài người còn cho đó là việc làm mất phẩm giá của chính họ. Khi không ai bận tâm về tiền bo, không khí sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Bạn trả tiền cho đồ ăn của bạn, và người hầu bàn nhận được khoản lương đúng với những gì họ phải và đã làm. Vì vậy đừng sử dụng tiền bo tại Nhật Bản.

Không giữ cửa mở cho người khác

Người Nhật không có thói quen giữ cửa mở cho ai khác thậm chí ngay cả khi đi xe taxi bạn cũng phải tự mở cửa. Vì vậy một người Nhật cũng có thể vô cùng ngạc nhiên khi bạn giữ cửa mở cho họ.

Không cọ xát đũa khi ăn

Bạn nên tránh dùng đũa chỉ vào bất kỳ người nào hay sử dụng chúng như một cặp dĩa để lấy thức ăn. Khi ăn cơm, không cắm đũa vào bát cơm, vì hình ảnh này tương tự với việc cắm nhang vào bát hương của người đã khuất. 

Bên cạnh đó, nên tránh cọ xát đũa vào nhau, việc này bị coi là một sự xúc phạm với nhà hàng vì nó thể hiện rằng thực khách có vẻ không hài lòng với chất lượng món ăn. Ngoài ra, không đặt chéo đũa khi đặt chúng xuống bát hoặc trên bàn, phải luôn đặt chúng song song.

Khi ăn chung với nhiều người, nên sử dụng đầu đối diện của đũa để chuyển thức ăn vào đĩa riêng của bạn. Khi chia thức ăn, hãy xin phép dùng đũa của bạn để lấy thức ăn, đặt vào đĩa của bạn trước rồi mới ăn.

Tin cùng chuyên mục

Liên hệ tư vấn

Những điều không nên làm khi đến Nhật Bản
Đánh giá bài viết:
(5/1 đánh giá)